Khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, khái niệm đi làm nghề xây dựng chỉ đơn thuần là công việc gắn với bản vẽ, bê tông cốt thép… Nhưng có gắn bó trong nghề mới thấy công việc này thực sự mang ý nghĩa cao cả hơn thế. Nghề xây dựng là nghề đặt chân đến những vùng đất hoang vu, đầy sỏi đá và rời đi khi những công trình mới mọc lên, khi những miền đất sáng ánh đèn. Và rồi chúng ta lại hát vang câu hát: “Em ơi, anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi…”
Người kỹ sư xây dựng nơi công trường luôn mang theo sự khác biệt – về ngoại hình bụi bặm, phong trần, tính cách phóng khoáng – rất khó để lẫn với những ngành nghề khác. Sự khác biệt đó đến từ những năm tháng tuổi trẻ nơi công trường, những đêm dài miệt mài với bản vẽ. Tựu chung nghề xây dựng có thể chia làm 3 nhóm công việc chính gồm: thi công, thiết kế và quản lý dự án.
Kỹ sư thi công, nơi công trường là nhà
Kỹ sư thi công có lẽ là vị trí công việc mang đến cho chúng ta cái nhìn rõ nét nhất về tính cách của những con người làm xây dựng. Đối với người kỹ sư, công trường chính là nhà, máy móc là anh em và đồng nghiệp là gia đình, là người thân. Mỗi công trình đại diện cho một phần tuổi trẻ, một phần đam mê và có khi là cả máu và nước mắt của những người trong nghề.
Kỹ sư thiết kế, những người lính thầm lặng
Nếu công việc của kỹ sư thi công gắn với công trường và máy móc thì công việc của kỹ sư thiết kế lại gắn liền với máy tính. Với kỹ sư thiết kế, người bạn đồng hành của họ chính là hàng chồng bản vẽ, hàng kho hồ sơ giấy tờ. Công việc của người kỹ sư thiết kế là sử dụng các số liệu và tuân thủ theo các yêu cầu, quy định để đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp nhất.
Người làm thiết kế không phải sống xa gia đình như những kỹ sư thi công nhưng công việc của họ không vì thế mà bớt đi áp lực. Áp lực của các kỹ sư thiết kế là độ chính xác, tỉ mỉ. Chỉ “sai một ly” trong bản thiết kế là ra thực tế sẽ “đi một dặm”, vì vậy người làm thiết kế luôn phải đặt độ chính xác lên cao nhất trong công việc của mình.
Kỹ sư quản lý dự án, kẻ biết tuốt
Công việc chính của kỹ sư quản lý dự án là quản lý chi phí, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý an toàn lao động, rủi ro và nhiều mặt khác để đảm bảo công trình được hoàn thành theo các yêu cầu đề ra. Người làm quản lý dự án phải là người có khả năng tổng hợp tốt, nắm bắt được hết các mặt liên quan đến công trình xây dựng, cũng như khả năng điều phối công việc. Xã hội càng phát triển, công trình xây dựng càng lớn và phức tạp thì vai trò của kỹ sư quản lý dự án ngày càng quan trọng.
Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu đi nhà ở, đường sá, trường học, bệnh viện, những nhà máy sản xuất hay những công trình công cộng. Ngay lúc này đây tại các công trình của HOP VIEN, niềm hăng say và tâm huyết với nghề trong từng nhịp thở của các anh em kỹ sư khiến chúng ta tin rằng giá trị của nghề xây dựng thật đáng trân quý và xứng đáng nhận được sự tôn vinh của xã hội.